Thiết kế catalogue thực ra không phải là khó. Song nếu bạn chưa có kinh nghiệm về trình bày hay ít kỹ năng về viết bài thì nó lại không hề đơn giản.
Khó nhất vẫn là thiết kế trang bìa
Bìa catalog là bộ mặt thể hiện khá bao quát toàn bộ nội dung catalog. Nhìn vào trang bìa ta có thể biết qua về tên công ty và lĩnh vực hoạt động. Bình thường với một cuốn catalogue chuyên nghiệp, ở trang bìa thường có đủ thông tin sau: Logo, tên công ty, hình ảnh đặc trưng thể hiện lĩnh vực hoạt động, vài dòng mô tả về lĩnh vực hoạt động và địa chỉ website.
Trang bìa thiết kế làm sao thật đơn giản, hoặc tinh xảo nhưng không được rối mắt, không được nhiều thông tin quá, hạn chế cắt ghép nhiều ảnh với nhau. Vì như thế nhìn sẽ bị rối. Hoặc nếu cắt ghép thì cũng phải biết trang trí từng ô sao cho hợp lý và đồng nhất.
Trang Mục lục – Bao quát toàn bộ nội dung catalog
Nếu catalog của bạn ngắn khoảng 8 hoặc 12 trang thì có thể không cần mục lục. Nhưng nếu số trang nhiều hơn và nội dung chia thành nhiều chủ đề thì để tiện cho khách hàng bao quát và tiếp thu thông tin, bạn nên có trang mục lục. Vì như vậy, khách hàng chỉ nhìn vào mục lục là biết gần như bao quát cuốn catalog, giúp họ giảm thời gian lật đi lật lại các trang để tìm nội dung.
Hình vẽ, biểu đồ trong catalog
Để khi in, hình ảnh được sắc nét, tất cả các biểu đồ, sơ đồ, bảng biểu trong catalog nên được chuyển sang dạng vector chứ không nên để dạng hình ảnh bitmap (trừ 1 số ảnh icon thì có thể giữ nguyên). Vẽ lại những hình này sang dạng vector mới là tốn thời gian và công sức của các designer.
Chọn loại Font và kích thước Font chữ trong catalog
Catalog bình thường hay dùng font Myriad Pro. Đây là Font chữ khá đẹp. Và kích thước Font thường chọn 12pt là dễ đọc. Với những catalog nhiều chữ thì có thể giảm size font xuống còn 10pt, hoặc nhỏ nhất là 8pt. Chữ mô tả chú thích trong hình vẽ thì có thể chọn từ 6pt đến 12pt đều đọc tốt.
Trang trí header của các trang trong catalog
Để catalog có màu sắc và nhìn cứng cáp thì bạn nên để header hoặc để màu nền trong catalog. Với những catalog nhiều ảnh thì có thể không cần để màu nền header mà chỉ gõ tiêu đề bình thường để có nhiều không gian cho phần hình ảnh.
Các header có thể chọn font 16pt – 22pt tùy theo độ dài tiêu đề và nên để chữ hoa, in đậm.
Trình bày trang cuối trong thiết kế catalog
Thông tin truyền tải của trang cuối đến người đọc chủ yếu là thông tin liên hệ. Cái này là quan trọng nhất. Trang này ngoài thông tin liên hệ, bạn có thể để logo và slogan công ty ở giữa bìa sau hoặc ở dưới cạnh thông tin liên hệ. Ngoài ra có thể để 1 vài hình ảnh nhỏ về lĩnh vực hoạt động ở phía dưới, trên phần thông tin liên hệ. Không nên để hình ảnh to và chính giữa vì nhìn nó sẽ giống trang bìa.
Phần trên chỉ nên để 1 vài hình nghệ thuật, chứ không để chữ gì. Vì bạn nên nhớ, mọi điều muốn thể hiện ta đều đưa lên trang bìa rồi. Phần này các hình ảnh chỉ nên nhẹ nhàng, mang tính khép lại quá trình xem thông tin trong catalog.
Tùy một số công ty, ta cũng có thể để mạng lưới phân phối, hay danh sách khách hàng, hoặc logo đối tác ở bìa sau. Nhưng cần trang trí sao cho hợp lý.
Rà soát, kiểm tra lại thông tin ít nhất 10 lần trước khi in
Với những catalog vài trang thì không nói, nhưng đối với những catalog khoảng 20 trang trở lên thì bạn cần kiểm tra cẩn thận các hạng mục trước khi in. Ví dụ như:
- Mục lục đã đánh đúng số trang chưa?
- Kiểm ra chính tả chưa (phần này có thể chuyển khách hàng kiểm tra, vì nội dung do khách hàng cung cấp)
- Căn chỉnh lề các trang đều chưa?
- Font các Header và nội dung đã thống nhất bằng nhau chưa?
- Hình vẽ có bị mờ khi in không?
- Đã gửi khách hàng duyệt qua nội dung chưa?
- Đã converted font trước khi in chưa?
Xem thêm:
LANDING PAGE HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
BẬT MÍ NHỮNG THIẾT KẾ BAO BÌ BÁNH KẸO ĐẸP MẮT NHẤT MỌI THỜI ĐẠI